Cách xử lý các tình huống trường hợp liên quan đến Hóa Đơn GTGT
Cách xử lý các tình huống trường hợp liên quan đến Hóa Đơn GTGT
Các vấn đề, tình huống liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng luôn là những khúc mắc rất được các bạn kế toán mới ra trường quan tâm.
Công ty kế toán ABS xin được chia sẻ một vài tình huống thường gặp nhất để kế toán có thể xử lý tốt nhất được những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, lập hóa đơn giá trị gia tăng:
Câu hỏi 1:
Công ty tôi kinh doanh hàng may mặc, nhiều khi bán hàng khách hàng không lấy hóa đơn khi mua hàng có giá trị đến 300.000 đồng. Vậy trong trường hợp này Công ty tôi có phải lập hóa đơn không? Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán” trên hóa đơn được ghi như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn & ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Câu hỏi 2:
Công ty chúng tôi kinh doanh đồ gia dụng, trong một lần bán hàng có thể xảy ra trường hợp danh mục hàng hóa nhiều hơn số dòng của 1 số hóa đơn. Do vậy khi lập hóa đơn bán hàng công ty chúng tôi phải sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa đã bán kèm theo hóa đơn. Xin hỏi chúng tôi có thể sử dụng bảng kê do Công ty tự thiết kế không? Nội dung trên bảng kê phải đảm bảo những nội dung gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Công ty bạn có thể sử dụng bảng kê do Công ty tự thiết kế phù hợp với đặc điểm, mẫu mã, chủng loại của các loại hàng hóa nhưng phải đảm bảo các nội dung chính như sau:
+ Tên người bán hàng, địa chỉ liên lạc, mã số thuế
+ Tên hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền. Trường hợp Công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng”, “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán (chưa có thuế giá trị gia tăng) đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số… Ngày… tháng… năm” & có đầy đủ các chữ ký của người bán hàng, chữ ký của người mua hàng như trên hóa đơn.
Trường hợp bảng kê có hơn một (01) trang thì các bảng kê phải được đánh số trang liên tục & phải đóng dấu giáp lai. Trên bảng kê cuối cùng phải có đầy đủ chữ ký của người bán hàng, chữ ký của người mua hàng như trên hóa đơn.
Số bảng kê phát hành phù hợp với số liên hóa đơn. Bảng kê được lưu giữ cùng với hóa đơn để cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết.
Người bán hàng & người mua hàng thực hiện quản lý & lưu giữ bảng kê kèm theo hóa đơn theo quy định.
Câu hỏi 3:
Công ty chúng tôi là đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu được bán hàng thu ngoại tệ “USD” theo quy định của pháp luật. Giả sử chúng tôi có xuất một lô hàng trị giá 10.000 USD, tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn là 20.132 VND/USD, xin hỏi đồng tiền ghi trên hóa đơn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty bạn là đơn vị được bán hàng thu ngoại tệ “USD” theo quy định của pháp luật thì tổng số tiền thanh toán được ghi bằng “USD”, phần chữ ghi bằng tiếng Việt.
Đồng thời ghi trên hóa đơn tỷ giá USD với đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn.
Cụ thể:
– Tại dòng Tổng cộng tiền thanh toán ghi: 10.000 USD.
– Số tiền viết bằng chữ ghi: Mười nghìn đô la Mỹ.
– Đồng thời ghi tỷ giá: 1 USD = 20.132,00 VND
Câu hỏi 4:
Công ty chúng tôi là đơn vị bán lẻ xăng, dầu bán cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì ngày lập hóa đơn là ngày nào? Trong trường hợp bán lẻ nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì chúng tôi có phải lập hóa đơn không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm a & b, Khoản 2, Điều 14, Thông tư số 39/2014/ TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì:
Công ty bạn khi bán xăng cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm theo bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán xăng.
Trong trường hợp bán lẻ, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.
Câu hỏi 5:
Cửa hàng tôi bán văn phòng phẩm, một lần bán có giá trị thanh toán là 300.000 đồng, người mua không cung cấp “Tên, địa chỉ, mã số thuế”. Vậy chúng tôi phải lập hóa đơn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: Cửa hàng bạn vẫn phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định; Tại tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” ghi rõ là “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Câu hỏi 6:
Cửa hàng tôi bán tạp hóa, một lần bán hàng có giá trị thanh toán 200.000 đồng nhưng người mua không lấy hóa đơn. Xin hỏi cửa hàng tôi có phải lập hóa đơn không và nếu phải lập thì lập như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì cửa hàng bạn vẫn phải lập hóa đơn, tại tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” ghi rõ là “người mua không lấy hóa đơn”.
Câu hỏi 7:
Thông thường tiêu thức “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)” là do Giám đốc công ty tôi ký. Nay Giám đốc công ty đi nước ngoài thì người trực tiếp bán hàng ký có được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính: Trường hợp Giám đốc công ty bạn đi nước ngoài thì người trực tiếp bán hàng có thể ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn nhưng phải có giấy ủy quyền của Giám đốc công ty cho người trực tiếp bán ký và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.
Câu hỏi 8:
Công ty tôi thường xuyên bán hàng hóa thông qua điện thoại hoặc FAX do vậy không có chữ ký của người mua hàng trên hóa đơn. Xin hỏi chúng tôi phải ghi như thế nào vào chỉ tiêu này?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì: trường hợp Công ty bạn bán hàng thông qua điện thoại hoặc FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn. Khi lập hóa đơn tại tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, Công ty bạn phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, FAX.
Câu hỏi 9:
Cửa hàng tôi một lần bán hàng hóa có tổng trị giá thanh toán là 150.000 đồng. Khách hàng yêu cầu tôi phải lập hóa đơn để giao cho họ, xin hỏi theo quy định tôi có phải lập hóa đơn không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa hơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập & giao hóa đơn. Như vậy, với trường hợp của cửa hàng bạn khi khách yêu cầu lập hóa đơn, bạn vẫn phải lập hóa đơn & giao cho khách hàng.
Câu hỏi 10:
Công ty chúng tôi đặt in hóa đơn nhưng chưa thông báo phát hành mà đã sử dụng thì có được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 9, Chương II Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì:
Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ trừ hóa đơn được mua, cấp tại cơ quan thuế phải lập Thông báo phát hành hóa đơn (mẫu số 3.5, phục lục 3, ban hành kèm theo Thông tư) & gửi kèm theo hóa đơn mẫu đến cơ quan thuế.
Như vậy, trường hợp Công ty bạn đặt in hóa đơn nhưng chưa thông báo phát hành mà đã sử dụng là sử dụng hóa đơn chưa có giá trị sử dụng & theo quy định tại Điều 22, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính thì Công ty bạn đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó Công ty bạn sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn của Chính phủ.
Câu hỏi 11:
Công ty chúng tôi bị mất quyển hóa đơn đang sử dụng. Chúng tôi đã thông báo với cơ quan thuế để không tiếp tục sử dụng quyển hóa đơn đó nữa. Nhưng sau đó Công ty lại tìm thấy quyển hóa đơn đó tiếp tục sử dụng. Xin hỏi như vậy có được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22, Chương III, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính: Trường hợp Công ty Anh (Chị) bị mất quyển hóa đơn, đã thông báo với cơ quan thuế, sau đó Công ty Anh (Chị) lại tìm thấy quyển hóa đơn thì không được phép tiếp tục sử dụng quyển hóa đơn đó mà phải thực hiện hủy hóa đơn theo quy định. Nếu Công ty tiếp tục sử dụng quyền hóa đơn đó thì đó là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bình luận của khách